26 April, 2024

VNLgame.net

CHẠM ĐỂ CHIẾN THẮNG

Nhật Bản hạ gục Đức và Tây Ban Nha: Vì sao không phải cú sốc lớn nhất World Cup?

4 min read

Dư luận thế giới cho rằng ĐT Nhật Bản đã làm nên cú sốc có thể nói là lớn nhất của World Cup cho tới lúc này. Saudi Arabia đã hạ gục Argentina, nhưng Nhật Bản còn làm tốt hơn khi chiến thắng 2 cựu vô địch thế giới trong cùng bảng đấu để đứng nhất bảng. Lịch sử bóng đá châu Á chưa từng chứng kiến một đội tuyển nào làm được điều đó.

Đó tất nhiên là một bất ngờ cho dư luận bởi họ dự đoán Nhật Bản cùng lắm sẽ gây khó cho Tây Ban Nha và Đức, hoặc giỏi lắm thì về nhì bảng. Tuy nhiên Nhật Bản chiến thắng 2 ông lớn của bóng đá châu Âu có thể là một bất ngờ với những ai không quan sát sự phát triển của bóng đá Nhật, chứ nó là kết quả tất yếu của một tiến trình đã được thực hiện kỳ công.

HLV Hajime Moriyasu đã nói sau trận rằng “Chúng tôi đã chạm tới tiêu chuẩn toàn cầu, chúng tôi cho thấy khả năng của bóng đá châu Á”. Ông nói không sai, hãy nhìn vào lực lượng tấn công mà HLV này đã sử dụng: Kaoru Mitoma của Brighton, Takuma Asano của Bochum, Ritsu Doan của Freiburg, Takumi Minamino của Monaco. Họ có mặt ở rất nhiều giải đấu châu Âu: 19 tuyển thủ Nhật Bản đang đá ở nước ngoài và 7 trong số đó đá ở Bundesliga.

HLV Jose Mourinho trong thời gian diễn ra vòng bảng nói Nhật Bản thắng Đức là một chiến thắng lớn, “nhưng không phải một bất ngờ điên rồ”. Ông đã từng nói về làn sóng cầu thủ Nhật ra nước ngoài cách đây nhiều năm trong một cuộc hội thảo, cầu thủ Nhật Bản ngày càng sẵn sàng bước ra sân chơi lớn để rèn giũa bản thân.

World Cup 2014 là điểm khởi đầu khi Nhật Bản có 12 cầu thủ ngoại và con số chỉ tăng lên ở các giải quốc tế tiếp theo. Và việc đá ở nhiều nước lẫn hấp thụ nhiều tư duy bóng đá khiến họ dám chơi theo nhiều cách: Tốc độ kiểu Anh & Đức, đá rắn kiểu Pháp, chơi nhỏ và kiểm soát kiểu Tây Ban Nha, chơi chậm và tiểu xảo kiểu Ý, v.v…

Bóng đá Đức đặc biệt đón nhận cầu thủ Nhật Bản một cách nồng nhiệt và HLV Moriyasu cho biết người Nhật rất biết ơn bóng đá Đức đã cho họ cơ hội được học hỏi. Xét cho cùng, cầu thủ chuyên nghiệp người Nhật đầu tiên trong lịch sử, Yasuhiko Okudera, đã được thu nhận ở Đức trong lúc bóng đá Nhật còn chưa chuyên nghiệp hóa.

Đó có lẽ cũng là bản chất của văn hóa Nhật Bản khi họ sẵn sàng học hỏi ở nước ngoài. Nhật Bản của thế kỷ XIX đã học đế quốc Phổ (phần lớn lãnh thổ Đức ngày nay) để cải cách chính trị & quân sự và trở thành thế lực lớn tại châu Á. Năm 1871, phái đoàn ngoại giao của đại sứ Nhật Bản Iwakura Tomomi tới phương Tây đã có rất nhiều người ở lại nước ngoài để học hỏi tri thức và sau này trở về giúp nước nhà.

Nhật Bản đã học bóng đá từ thế giới khá nhiều năm rồi, và giờ là lúc họ đạt tới tầm cỡ không kém gì các ông lớn châu Âu. Nên khi trận đấu Nhật Bản – Tây Ban Nha kết thúc, đài truyền hình NHK đã đăng dòng chữ sau trên Twitter: “Đây không phải là kỳ tích”.

Copyright © All rights reserved. | Newsphere by AF themes.
advanced-floating-content-close-btn