5 “siêu đội bóng” thất bại: Từ Inter Milan thời Ronaldo “béo” đến Barca & MU
7 min readReal Madrid thành công với “Los Galacticos” nhưng có không ít đội bóng thất bại khi cố xây dựng đội quân toàn sao.
Nói đến “Los Galacticos” chắc chắn chúng ta sẽ nhớ ngay đến Real Madrid giai đoạn 2000 – 2006 nổi tiếng với chính sách quy tụ ngôi sao, và chủ tịch Florentino Perez cũng đã tái thực hiện chính sách này cho giai đoạn 2009 – 2014 để làm bản lề cho 4 chức vô địch Champions League trong thập kỷ 2010.
Nhưng chính sách đó chẳng phải điều gì lạ lẫm trong lịch sử bóng đá, khi chính Real Madrid đã nổi tiếng từ thập niên 1950 với dàn ngôi sao do cố chủ tịch Santiago Bernabeu xây dựng nên. Rất nhiều CLB khác đã bắt chước và đi tới chiến thắng, nhưng không ít CLB khác đã thất bại và dưới đây là 5 ví dụ về những “giải ngân hà” không thành công.
“Ngân hàng Naples” 1950 – 1961
Sơm hơn cả thời Real Madrid của Bernabeu, Napoli trở lại Serie A vào năm 1950 và đội bóng Ý được sở hữu bởi ông trùm ngành đóng tàu Achille Lauro. Để tăng cường sức mạnh cho Napoli, Lauro đã đưa về CLB này nhiều tiền đạo giỏi, trong đó có Amedeo Amadei (người đưa AS Roma vô địch Ý lần đầu tiên năm 1942), Hans Jeppson (kỷ lục chuyển nhượng thế giới năm 1952) và Luis Vinicio, ngoài ra đội bóng này còn xây sân mới San Paolo vào năm 1959, đến nay vẫn là sân nhà của CLB.
Napoli giai đoạn này được gọi là “Ngân hàng Naples”, nhưng sự chịu chi chỉ mang lại kết quả tốt nhất là vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng Serie A. Ông chủ Lauro còn thường xuyên can thiệp vào đội bóng và gây nhiều tình huống dở khóc dở cười, trong đó quyết định bán Vinicio năm 1960 khiến CLB trả giá đắt khi xuống hạng Serie B sau khi về áp chót mùa 1960/61. Vinicio thậm chí sau này đoạt Vua phá lưới Serie A ở đội bóng mới Vincenza.
Inter Milan 1989 – 2004
Calciopoli khiến Inter Milan như được minh oan sau nhiều năm trời thất bại, bởi họ đã đầu tư rất nhiều và vỡ mộng rất nhiều. Sau chức vô địch Serie A năm 1989, bổ sung tiền đạo ngôi sao người Đức Jurgen Klinsmann vẫn khiến Inter mất cúp vào tay Napoli của Diego Maradona, và đó là mở đầu cho một chuỗi những vụ chuyển nhượng “bom xịt”: Darko Pancev, Ruben Sosa, Matthias Sammer (QBV 1996), Dennis Bergkamp, v.v… Họ thậm chí đứng chỉ hơn nhóm xuống hạng đúng 1 điểm cuối mùa 1993/94.
Tỷ phú xăng dầu Massimo Moratti mua lại CLB vào năm 1995 và phá 2 kỷ lục chuyển nhượng thế giới để đưa Ronaldo và Christian Vieri về Inter. Một loạt danh thủ khác cũng đến San Siro: Roberto Carlos, Paul Ince, Javier Zanetti, Diego Simeone, Youri Djorkaeff, Kanu, Zamorano, Paulo Sousa, Alvaro Recoba, Pirlo, Roberto Baggio, Seedorf, Ivan Cordoba, Mutu, Laurent Blanc, Robbie Keane, Adriano, Sergio Conceicao, Materazzi, Crespo, Cannavaro, Stankovic, v.v…
Tất cả chừng đó vẫn không mang về cho Inter dù chỉ 1 Scudetto trong thập niên 1990, họ thậm chí cũng không được cả Coppa Italia hay Siêu cúp Italia, và danh hiệu an ủi duy nhất là UEFA Cup 1998 nhờ sự chói sáng của Ronaldo. Đau đớn nhất là cuối mùa 2001/02, Inter chỉ còn cách 45 phút nữa tới chức vô địch Serie A khi đang dẫn Lazio 2-1, nhưng rồi thua ngược và dâng cúp cho Juventus.
Barcelona 1999 – 2003
Rivaldo sẽ được nhớ đến là siêu sao của một đội hình Barcelona không mạnh cho lắm dù bỏ khá nhiều tiền mua ngôi sao. Sau 2 chức vô địch La Liga năm 1998 & 1999 dưới thời Louis Van Gaal, mùa kế tiếp Barca tụt dốc nghiêm trọng dẫn tới Van Gaal ra đi, nhưng sốc nhất là vụ chuyển nhượng Luis Figo sang Real Madrid.
3 mùa tiếp theo là những ngày tháng chật vật chỉ để lọt vào nhóm dự Cúp C1, trong khi các bản hợp đồng cho Marc Overmars, Alfonso, Gerard Lopez, Emmanuel Petit, Javier Saviola, Geovani, Philippe Christanval và Juan Roman Riquelme đều “xịt” và Barca thậm chí có lúc đến rất gần nhóm xuống hạng trong mùa 2002/03 khi Van Gaal trở lại. Sự hồi sinh chỉ bắt đầu sau mùa giải đó, khi Joan Laporta lên làm chủ tịch, bổ nhiệm Frank Rijkaard và đưa về Ronaldinho.
“Ngân hàng Anh” Sunderland 1945 – 1958
Báo giới Anh dùng cụm “CLB Ngân hàng Anh” để chỉ Arsenal hùng mạnh trong thập niên 1930 và họ cũng mô tả Sunderland như vậy sau Thế chiến thứ Hai. CLB vùng Đông Bắc này bỏ 18.000 bảng để mua tiền đạo Ivor Broadis năm 1949, trước khi phá kỷ lục chuyển nhượng nước Anh với mức phí 20.050 bảng cho ngôi sao tấn công Len Shackleton từ kình địch Newcastle, và phá kỷ lục thế giới với số tiền 30.000 bảng mua tuyển thủ xứ Wales Trevor Ford từ Aston Villa.
Sunderland có được thành công bước đầu khi về hạng 3 giải VĐQG năm 1950, thành tích tốt nhất kể từ năm 1936. Tuy nhiên đội quân nhiều sao này xảy ra lục đục với nhau, đặc biệt giữa Ford và Shackleton, khiến Ford bị bán năm 1953. Sunderland rốt cuộc không có được cúp vô địch nào và xuống hạng vào năm 1958, nhưng đáng nói là họ vẫn rất giàu tới mức thu hút được một số tuyển thủ đến đá cho mình khi rớt xuống giải hạng Hai.
MU 2013 – nay
Trong một cuộc cạnh tranh tay ba giữa Malaga 2010-2013, MU 2013-nay và Barcelona 2017-2020, MU gây thất vọng hơn hẳn cả về độ đầu tư lẫn sự bất ổn thành tích. Malaga rất thành công với đa số cầu thủ mua về (Demichelis, Julio Baptista, Salomon Rondon, Isco, Toulalan, Joaquin & Nacho Monreal) và tiến xa hơn hẳn MU ở Cúp C1, Barcelona vẫn 2 lần vô địch La Liga sau những “bom xịt” mang tên Griezmann & Dembele, còn MU hiện vẫn tiêu tiền và vẫn chưa thấy cái đích phía trước.
Từ mùa hè 2013 đến nay MU đã bỏ ra tổng cộng 1,06 tỷ bảng mua cầu thủ qua 4 đời HLV trưởng khác nhau, với thành tích tốt nhất ở Premier League là 2 lần về nhì, 1 FA Cup, 1 League Cup và 1 Europa League. Trong 8 mùa giải thì họ đã tới 4 lần nằm ngoài top 4 Premier League, và chưa từng lọt tới bán kết Champions League.
Một điều nữa là khá nhiều bản hợp đồng của MU đã không thành công như kỳ vọng: Mata, Zaha, Di Maria, Falcao, Schneiderlin, Depay, Schweinsteiger, Mkhitaryan, Alexis Sanchez, Lukaku và gần đây là Van de Beek. Ngay cả những ngôi sao có đóng góp như Pogba hay Martial cũng không đạt đến tầm cỡ mà fan MU mong muốn.